Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc – Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Theo chiều Đông – Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm). Cao Bằng sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị như khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích chiến dịch biên giới Đông Khê. Thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen; khu rừng sinh thái đặc dụng Phja Oắc-Phja Đén…Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, Cao Bằng là một trong những địa điểm du lịch các bạn nên khám phá.
Lịch sử tỉnh Cao Bằng
Từ thời kỳ đầu dựng nước, vùng Cao Bằng đã có cư trú của người Việt cổ, minh chứng là qua các di chỉ khảo cổ, di tích đã được khai quật ở Hồng Việt, (Hòa An), Cần Yên (Thông Nông), Lũng Ỏ (Quảng Uyên)… cùng truyền thuyết về Pú Luông – Giả Cải, Cẩu chủa cheng vùa. Địa danh Cao Bằng được chép trong sử sách từ rất sớm. Sách “Dư địa chí” do Nguyễn Trãi biên soạn năm 1435 đã ghi “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định; Đông Bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng; Tây Nam tiếp giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn. Có 1 lộ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ tư về phương Bắc vậy”.
Tỉnh Cao Bằng cùng với tỉnh Lạng Sơn thời nhà Lý-nhà Trần được gọi là châu Quảng Nguyên. Vùng đất này (Lạng Sơn và Cao Bằng) chính thức phụ thuộc vào An Nam từ năm 1039, triều Lý Thái Tông, sau khi nước này chiến thắng Nùng Trí Cao. Sau khi thất thủ Thăng Long năm 1592 nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng vùng đất này để chống lại nhà Lê Trịnh cho đến 1677 mới chấm dứt.
Từ năm 1886 – 1945, tên gọi, địa giới và số lượng các đơn vị hành chính tỉnh Cao Bằng luôn có sự thay đổi. Cuối thế kỷ XIX, tỉnh Cao Bằng gồm có phủ Trùng Khánh (với 3 châu: Thượng Lang, Hạ Lang, Quảng Uyên) và phủ Hòa An (với 3 châu: Thạch Lâm, Thạch An, Nguyên Bình).
Ngày 01/7/1956, Cao Bằng cùng các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang hợp thành Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 20/3/1958, huyện Trấn Biên được đổi tên thành huyện Trà Lĩnh. Ngày 7/4/1966, chia huyện Hà Quảng thành hai huyện là: Hà Quảng và Thông Nông. Ngày 8/3/1967, hợp nhất huyện Quảng Uyên và Phục Hoà thành huyện Quảng Hoà. Đến ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (khoá V) kỳ họp thứ 2 quyết nghị bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính. Quyết định tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành một tỉnh là Cao Lạng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng.
Như vậy, dù nhiều lần thay đổi tên gọi, điều chỉnh địa giới hành chính, song lãnh thổ Cao Bằng cơ bản vẫn ổn định. Hiện nay, Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố và 12 huyện); 199 xã, phường, thị trấn (14 thị trấn, 4 phường, 181 xã); có 46 xã thị trấn biên giới, có 2 cửa khẩu quốc gia, 1 của khẩu quốc tế.
Nên đi du lịch Cao Bằng vào thời gian nào?
- Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô khéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nếu các bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng tháng 8-9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.iang
- Nếu thích đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch (tương đương với mùa hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang)
- Nếu thích ngắm băng tuyết, các bạn nên đi vào mùa đông (cuối năm trước đến khoảng đầu năm sau), thời điểm này ở phía rừng Pia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này. Kết hợp thêm với lịch trình từ Cao Bằng sang Lạng Sơn (theo đường Thất Khê) các bạn có thể kết hợp thêm du lịch Mẫu Sơn, nơi mà hầu như mùa đông năm nào cũng có băng hoặc tuyết.
Hướng dẫn đi Cao Bằng
Cao Bằng có địa hình tương đối phức tạp. Hệ thống giao thông hiện nay chỉ có đường bộ, gồm bốn tuyến quốc lộ: 3, 4A, 34 và 4C trong đó có quốc lộ 3 và quốc lộ 4 đã được cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống giao thông tạm đáp ứng tốt các nhu cầu vận tải hành khách.
Phương tiện cá nhân
Nếu sử dụng phương tiện xe máy hoặc ô tô cá nhân đi phượt Cao Bằng, các bạn có thể nghiên cứu một trong 3 phương án mà Cùng Phượt gợi ý dưới đây:
- Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên, Bắc Kạn. Đi đường này các bạn có thể kết hợp du lịch Thái Nguyênhoặc du lịch Bắc Kạn, đặc biệt là có thể kết hợp đi du lịch Hồ Ba Bể.
- Đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 4 đi Lạng Sơn, kết hợp ghé qua du lịch Mẫu Sơnrồi đi theo hướng Đông Khê, Thất Khê để sang Cao Bằng.
- Nếu các bạn đi phượt Hà Giangbằng xe máy từ Hà Nội, khi về các bạn có thể đi theo hướng Đồng Văn sang Mèo Vạc, đi qua Bảo Lâm, Bảo Lạc, Tĩnh Túc (Nguyên Bình) rồi rẽ về phía Bắc Kạn, tạt qua khu du lịch Hồ Ba Bể rồi mới về Hà Nội.
Phương tiện công cộng
Nếu không muốn chạy xe máy, từ Hà Nội các bạn có thể đi xe khách giường nằm tới Cao Bằng, xe chạy hàng ngày tại bến xe Mỹ Đình và mất khoảng 8h để lên tới Tp Cao Bằng. Tại đây các bạn có thể thuê xe máy để tiếp tục khám phá Cao Bằng
Lưu trú ở Cao Bằng
Tính đến tháng 3/2016, toàn tỉnh Cao Bằng có 176 cơ sở lưu trú du lịch với 2361 phòng nghỉ, trong đó có 10 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 27 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao. Do lượng khách đến du lịch Cao Bằng luôn tăng theo hàng năm nên đến nay, về cơ bản hệ thống khách sạn nhà nghỉ trên địa bàn Cao Bằng vẫn luôn được mở rộng và nâng cấp nhằm đáp ứng tốt hơn nữa.
Khi phượt Cao Bằng, tuỳ vào địa điểm định tới mà các bạn có thể chọn nơi nghỉ chân tương ứng. Nếu các bạn đi tới khu du tích lịch sử Pác Bó các bạn có thể nghỉ tại thành phố Cao Bằng, nếu đi xa hơn để phượt Thác Bản Giốc các bạn nên di chuyển tới sát đó, nghỉ ngơi tại Trùng Khánh để thuận tiện hơn cho việc khám phá khu du lịch này
Homestay ở Cao Bằng
Hiện ở một số nơi trong tỉnh như Tp Cao Bằng, Quảng Uyên hay khu vực Thác Bản Giốc có hình thức homestay để phục vụ du khách có nhu cầu. Hình thức này tuy còn khá mới mẻ ở Cao Bằng nhưng cũng có khá nhiều lựa chọn cho các bạn.
Các địa điểm du lịch Cao Bằng
Tạo hoá đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều núi cao, sông hồ, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ rất thích hợp với du lịch ngoạn cảnh, nghỉ ngơi. Cao Bằng cũng chính là cái nôi của Cách mạng Việt Nam
Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng: Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Địa dư Cao Bằng; tài liệu huấn luyện quân sự: Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu…
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ òng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2 /1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
Suối Lê Nin
Suối Lê-nin nằm trong quần thể di tích lịch sử Pác Bó. Mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, suối Lê-nin dường như không dành được sự quan tâm quá nhiều của các bạn trẻ vốn đang say mê hướng về những địa danh nổi tiếng đậm chất phiêu lưu. Tuy nhiên, dòng suối nguồn như một viên ngọc với một màu xanh rất lạ, vẻ đẹp thiên nhiên trời phú tuyệt đẹp giữa núi rừng Đông Bắc, nơi địa đầu của tổ quốc, sẽ khiến cho dân xê dịch thích sự thanh bình và êm ả.
Men theo dòng chảy của suối Lê-nin, bạn có thể thăm quan các di tích trong quần thể di tích lịch sử của Pác Bó như: hang Cốc Bó – nơi Bác Hồ đã sống và làm việc, hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, núi Các Mác, suối Nậm, lán Khuổi Nặm, bàn đá nơi diễn ra những cuộc bàn bạc cách mạng năm xưa… Tất cả gắn kết với nhau tạo thành một bức tranh thủy mặc đầy chất thơ, khiến con người ta phải lưu luyến. Sự bình yên dường như sẽ khiến cho du khách muốn sống ở nơi đây, hài lòng với cuộc sống tự tại giữa thiên nhiên, không còn chút vướng bận, yên bình mà vui vẻ.
Hang Cốc Bó
Hang Cốc Bó (trong tiếng Nùng, Cốc Bó có nghĩa là “đầu nguồn”) là một hang đá nằm bên sườn núi Các Mác, ở gần chỗ dòng nước chảy ngầm ra từ trong núi thành suối Lê Nin địa thế hiểm trở. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ… Trước năm 1979 hang rộng khoảng 15m³. Bác Hồ từng ghi lại trên vách đá dòng chữ: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”, ghi lại ngày Bác đến ở trong hang này. Trong lòng hang tối tăm, ẩm tấp, nhỏ hẹp và lạnh, nằm sâu trong khe núi, thời đó không mấy ai để ý tới.
Trong hang còn lại chiếc “giường: Bác nằm nghỉ và cũng là chỗ làm việc của Bác. Đó là tấm ván cũ, đã nức nẻ. Sâu bên trong là tượng Các Mác bằng thạch nhũ mà năm xưa Bác Hồ đã đặt tên…Trong chiến tranh biên giới năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó. Ngày nay, hang Cốc Pó được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan du lịch.
Núi Các Mác
Tên ngọn núi trước cửa hang được Bác đặt tên theo nhà tư tưởng vĩ đại Các Mác, cùng với suối Lê Nin, đây là 2 nhà tư tưởng đã có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hoạt động của Bác.
Cột mốc 108
Nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt – Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Pháp.
Lán Khuổi Nặm
Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Đường quanh co men theo chân núi, càng đi càng dốc lên. Được biết, đường vào lán xưa kia chỉ là một lối mòn cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Còn khe núi trên đường vào lán ngày trước rậm rạp um tùm giờ là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau chạy ngược đến tận phía rừng xa.
Đây là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại trong khoảng thời gian gần đây.
Nhà ông Lý Quốc Súng
Là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
Di tích rừng Trần Hưng Đạo
Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, nằm cách trung tâm Tp Cao Bằng khoảng 50km. Ngày 22/12/1944 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây đã diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Đội hồm 34 chiến sĩ trong đó 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Di tích được phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 05 điểm: Rừng Trần Hưng Đạo, Hang Thẳm Khẩu, Đồn Phai Khắt, di tích Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích Đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám.
Di tích đồn Phai Khắt
Di tích đồn Phai Khắt là nơi diễn ra trận đấu đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập. Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km. Tại đây, lúc 17h ngày 25/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng nhân dân địa phương đã tiêu diệt và bắt gọn chỉ huy cùng toàn bộ binh lính, thu vũ khí của địch.
Di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng
Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thuỷ, Thuỷ Tiên do Kim Đồng làm đội trưởng.
5 giờ sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của ban Việt Minh, khi phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng, địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh, khi đó vừa tròn 14 tuổi.
Di tích chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950
Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 nằm tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng khoảng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4. Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, do Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng. Khu di tích được đưa vào sử dụng ngày 19/05/2004, thể hiện đạo lý cao cả “Uống nước nhớ nguồn ” đối với vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già kính yêu của dân tộc và ghi lại dấu ấn oanh liệt, hào hùng của một chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hang Ngườm Pục
Hang Ngườm Pục là một hang nằm sâu trong dãy núi đá giáp ranh giữa xã Lê Lợi huyện Thạch An (Cao Bằng) và xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Hang có độ sâu gần 100 mét tính từ cửa vào, trải dài với hệ thống nhũ đá nguyên sơ và rất đẹp nhưng chưa được nhiều người biết đến. Địa hình trong hang tương đối hiểm trở, muốn đến đây khám phá thì du khách phải chui qua các khe đá hẹp, sườn núi hiểm trở.
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc, Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Ước (tiếng Trung: 德天-板約; bính âm: Détiān – Bǎnyuē), là một hoặc hai thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (歸春河, âm Hán Việt là “Quy Xuân hà”). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brasil – Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia – Zimbabwe; và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ)
Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền.
Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Động có chiều dài 2.144m. Động gồm ba cửa chính là: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (tức cửa gió, quanh năm mát lạnh) và cửa Bản Thuôn phía sau núi thuộc Bản Thuôn.
Theo tiếng Tày, “ngườm” là “động”, “ngao” là “hổ”; “Ngườm Ngao” có nghĩa là động hổ. Động Ngườm Ngao được chia thành ba khu chính: Khu Tứ trụ thiên đình, khu trung tâm và khu kho báu. Ngườm Ngao có một vẻ đẹp vô cùng kỳ thú được tạo nên bởi những lớp thạch nhũ lộng lẫy, vàng rực. Những dải nhũ đá muôn màu sắc mọc từ dưới lên, từ trên các vòm đá cao rủ xuống với nhiều hình dáng đẹp phản chiếu ánh sáng lung linh.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc – ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt xây dựng. Tháng 06/2013, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khởi công tại núi Phia Nhằm cách thác Bản Giốc 500m. Các hạng mục của chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như Tam quan chùa, lầu tượng Bồ Tát, Tam bảo, nhà tổ… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo truyền thống Việt Nam.
Tại đây còn có đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao – một nhân vật, biểu tượng Văn hoá thế kỷ XI tại Cao Bằng. Công trình được xây dựng trên diện tích 2 ha với kinh phí khoảng 38 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động, các tập đoàn và các nhà hảo tâm đóng góp và tài trợ
Làng rèn Phúc Sen
Người Nùng An ở Xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có nghề rèn. Nghề rèn đã xuất hiện ở Xã Phúc Sen cách đây rất lâu (chưa biết cụ thể là bao lâu, nhưng chắc chắn trên 200 năm). Có thể nói đây là một trong những làng nghề độc đáo nhất ở tỉnh Cao Bằng cũng như ở cả Việt Nam. Cũng chính vì có nghề rèn độc đáo này mà hàng năm lượng khách du lịch đến với xã Phúc Sen tương đối lớn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Du lịch cộng đồng bản Pác Rằng
Bản Pác Rằng, thuộc xã Phúc Sen, nằm ven Quốc lộ 3, từ thị xã Cao Bằng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng, phía trước Bản là cánh đồng nhỏ hướng ra Quốc lộ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tạo một không gian thanh bình, xanh mát mà bất cứ du khách nào cũng có thể cảm nhận được khi tới khu vực này. Đây là nơi cư trú của 51 hộ gia đình dân tộc Nùng An, với khoảng hơn 250 nhân khẩu.
Pác Rằng được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo thông qua Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Đến Pác Rằng, du khách hấp dẫn bởi nền văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện đậm nét lao động, sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây.
Điều dễ nhận thấy nhất khi tới bản Pác Rằng là các hộ gia đình vẫn lưu giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng. Tầng một là chuồng trại gia súc, công trình vệ sinh, phía bên là lò rèn. Tầng 2 là không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, gồm: các phòng ngủ, gian tiếp khách và bếp. được bố trí khoa học và hợp vệ sinh. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.
Hồ Thang Hen
Thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, Hồ Thang Hen là một hồ đẹp trong số 36 hồ lớn nhỏ trong vùng rừng núi của huyện Trà Lĩnh. Nằm ở giữa một vùng núi non và màu xanh của cây vươn mình trên các vách đá cheo leo soi bóng xuống mặt nước trong, uốn lượn theo lòng lũng mấp mô những mỏ đá ngầm. Hồ Thang Hen có hình thoi, rộng từ 100m đến 300m, dài từ 500m đến 1.000m. Phía đầu nguồn là một cái hang rộng, từ trong hang nguồn nước chảy ra suốt ngày đêm. Một điều đặc biệt kỳ thú khi người dân nơi đây cho biết cứ vào khoảng 10 năm một lần, bỗng dưng nước hồ Thang Hen cạn gần hết và chỉ sau một vài ngày nước lại dâng lên. Và ấn tượng nữa là khi vào mùa lũ nước hồ Thang Hen vẫn giữ được màu xanh ngọc bích đặc trưng, trong khi các hồ khác trong vùng chuyển màu đỏ lựng.
Hồ Thang Hen có huyền thoại rất thú vị. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, Chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Thác Nặm Trá
Núi Mắt thần – Thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), cách Hồ Thang Hen khoảng 2 km, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, mới được phát hiện nhưng đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, khám phá…
Từ tỉnh lộ rẽ phải vào hồ Thang Hen đến xóm Bản Danh, tiếp tục rẽ vào con đường mòn dưới chân núi, chỉ có thể đi bộ vào, đi khoảng 1,5 km là đến núi Mắt thần – thác Nặm Trá. Nhìn từ đỉnh núi, du khách bị choáng ngợp trước cảnh sắc hồ Nặm Trá rộng khoảng 15 ha đã cạn nước, một thảm cỏ xanh bạt ngàn được bao quanh bởi những ngọn núi. Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nơi đây được dân yêu thích xê dịch đặt cho cái tên “Tuyệt Tình Cốc Cao Bằng“
Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh.
Đèo Mã Phục cao khoảng 620 m (để lên tới đỉnh phải vượt qua bảy vòng dốc).Đường đèo không rộng và cũng không quá nguy hiểm lắm, phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.
Có rất nhiều thuyết về tên gọi Mã Phục nhưng thực tế khi lên đến nơi ta nhìn thấy hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Từ chân đèo rẽ trái là làng Tổng Cọt, là nơi có cây đa già nổi tiếng và phiên chợ trâu ngày chủ nhật. Rồi có thể tiếp tục ghé thăm làng cổ Nà Ngắn, đến với cửa khẩu Trà Lĩnh. Hay vượt qua Quảng Uyên rẽ phải là đường đến cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Rẽ trái ngược lên đến với Trùng Khánh, thác Bản Giốc kỳ vĩ và đường tới Hạ Lang, điểm cuối cùng của Cao Bằng.
Đèo Khau Liêu
Khau Liêu là gọi theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo Liêu. Đứng trên cao nhìn xuống, đèo Khau Liêu mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nho của Cao Bằng, giống như một con rồng uốn lượn quanh co, ôm lấy núi. Đây cũng là con đèo thử tay lái của nhiều dân “phượt” muốn chinh phục khó khăn trước thiên nhiên hùng vĩ. Có thể nói đèo Khau Liêu như một nét chấm phá trong bức tranh đồng quê miền núi tuyệt đẹp của vùng Trùng Khánh.
Không nổi tiếng như đèo Mã Phục nằm trước đó, đèo Khau Liêu mang một nét đẹp nên thơ, đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi vượt qua được độ cao của đèo Khau Liêu. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống dưới, hít thở không khí thanh khiết của núi rừng, thật sự không còn gì thú vị hơn.
Các cửa khẩu giữa Cao Bằng – Trung Quốc
Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng
Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất bản Pò Tập thị trấn Tà Lùng huyện Phục Hòa tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Tà Lùng là điểm cuối của quốc lộ 3, tiếp nối là cầu Thủy Khẩu trên sông Bắc Vọng, thông thương sang cửa khẩu Thủy Khẩu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu chính của tỉnh Cao Bằng, nằm gần ngã ba nơi sông Bắc Vọng đổ vào sông Bằng. Sông Bắc Vọng có đoạn dài là biên giới tự nhiên ở phía đông huyện Phục Hòa.
Cửa khẩu Trà Lĩnh
Cửa khẩu Trà Lĩnh hay cửa khẩu Hùng Quốc hay cửa khẩu Nà Đoỏng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất bản Hía ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Trà Lĩnh thông thương sang cửa khẩu Long Bang ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Trà Lĩnh là điểm cuối của tỉnh lộ 205, cách thị trấn Hùng Quốc khoảng 6 km theo đường này về hướng bắc. Tên cửa khẩu Nà Đoỏng được gọi theo bản Nà Đoỏng là bản ở trước bản Hía khi ra cửa khẩu. Tuy nhiên tên chính thức và được dùng trong giới chức hành chính, biên phòng và hải quan là cửa khẩu Trà Lĩnh.
Cửa khẩu Pò Peo
Cửa khẩu Pò Peo là cửa khẩu tại vùng đất bản Nà Han xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Nhạc Vu ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Pò Peo là điểm cuối của tỉnh lộ 211, cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 22 km theo đường này. Cửa khẩu ở phía đông nơi sông Quây Sơn chảy vào đất Việt chừng 2 km. Đoạn sông bên Trung Quốc có tên là Nan Tan He.
Cửa khẩu Lý Vạn
Cửa khẩu Lý Vạn là cửa khẩu tại vùng đất bản Lý Vạn xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Thạc Long ở huyện Đại Tân, Tp Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Lý Vạn cách thành phố Cao Bằng 60 km theo đường thẳng về hướng đông bắc.
Cửa khẩu Sóc Giang
Cửa khẩu Sóc Giang là cửa khẩu tại vùng đất bản Sóc Giang xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Bình Mãng ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Sóc Giang cách thành phố Cao Bằng 42 km theo đường thẳng về hướng bắc tây bắc, và khoảng 55 km theo tỉnh lộ 203. Cửa khẩu gần kề với nơi sông Bằng chảy vào đất Việt.
Mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc
Trong số 1.971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng có nhiều cột mốc nhất (634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có ‘thế mạnh cột mốc’ – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu. Các bạn yêu thích việc check-in với các cột mốc biên giới có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch Cao Bằng, tuy nhiên các bạn cũng chú ý là trừ những mốc biên giới ở các vị trí lớn (ví dụ như cửa khẩu lớn, địa điểm du lịch) còn lại các mốc biên giới đều là khu vực khá nhạy cảm, các bạn nên xin phép rồi nếu được đồng ý thì nhờ bên biên phòng dẫn ra nhé.
Phia Đen – Phia Oắc
Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén hay còn gọi Phja Oắc – Phja Đén là khu rừng đặc dụng có diện tích 10.245,6 ha nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây từng là khu nghỉ dưỡng được tìm ra và xây dựng bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Khu vực Phia Oắc – Phia Đen có phân bổ của 125 họ thực vật, 289 chi thực vật và khoảng trên 352 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sinh cảnh cũng được ghi nhận có 66 loài bướm.
Theo những tài liệu hiện còn ghi chép được thì những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Vào thời gian này, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác quặng ở Tĩnh Túc và đẩy hàng ngàn công nhân từ khắp nơi về đây để bóc lột sức lao động, đào quặng, vơ vét tài nguyên.
Để đảm bảo giám sát số lượng nhân công lớn, Pháp đã điều động quân lính tới đây đồn trú đồng thời xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ sĩ quan, binh lính ngay tại chỗ với qui mô lớn. Quần thể biệt thự cổ bỏ hoang chính là khu nghỉ dưỡng của sĩ quan Pháp.
Trên khu vực lưng chừng núi Phia Oắc có hai loại hình nhà chính là biệt thự độc lập dành cho quan chức cấp cao của Pháp và biệt thự liền kề – khu vực dành cho binh lính và quan chức nhỏ.
Cách rừng đặc dụng Phia Oắc khoảng 5km có ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là Nhà Đỏ. Nghe nói, chủ nhân của nó trước đây tên là Phăngten. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc.
Chợ phiên Cao Bằng
Ở vùng cao, các bản làng cách xa nhau, nhiều bản chỉ có vài nóc nhà do đó cuộc sống thường nhật gần như khép kín. Vì vậy, việc đến chợ ngoài mua bán hàng hoá còn là nơi trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm, hẹn hò lứa đôi.
Các món ăn ngon ở Cao Bằng
Bánh coóng phù (Bánh trôi)
Coóng phù được làm từ gạo nếp ngon lẫn một ít gạo tẻ. Nhân bánh là lạc rang giã nhỏ, có thể trộn thêm đường và hạt vừng. Những viên coóng phù thường có màu trắng tinh, nhiều người trộn bột với gấc hoặc ngâm gạo với lá cẩm, lá dứa để tạo thêm màu sắc mới lạ, vị và mùi thơm khác nhau. Hoàn toàn không có chất tạo màu tạo mùi hóa học.
Bánh cuốn
Bánh cuốn không là món ăn xa lạ với người miền Bắc nhưng người dân Cao Bằng có cách ‘thưởng’ bánh rất riêng, độc đáo so với tất cả các vùng miền khác.
Để chế biến được những chiếc bánh cuốn dẻo thơm, người ta cần đồ nghề là một chiếc nồi gang to, một chiếc khuôn hình tròn vừa với miệng nồi làm bằng cật tre già, bọc vải trắng thật căng và một thanh tre gọt mỏng để lấy bánh ra khỏi khuôn.
Bánh cuốn ngon phụ thuộc vào chất lượng gạo. Gạo làm bánh là gạo tẻ được trồng ở Cao Bằng, trắng, hạt đều, dẻo thơm và dai. Gạo dẻo quá hay khô quá đều khó lòng làm nên thứ bột tráng bánh trắng mịn, thơm tho.
Khâu lựa gạo, ngâm gạo đều được người làm bánh chuẩn bị sẵn sàng từ trước nhưng thông thường để kịp buổi chợ sáng, các chủ quán thường dậy bắt đầu công việc chế biến từ 4-5 giờ sáng.
Gạo được ngâm, vo sạch rồi đem xay ướt; trước đây, phải xay bằng cối đá, xay tay nhưng hiện nay phần lớn là xay bằng máy. Bột nước xay xong phải sánh, dẻo, không được đặc quá và cũng không loãng đảm bảo bánh vừa dai và mềm. Bánh cuốn không tráng trước, chờ khi nào khách gọi, người chủ mới nhanh tay tráng bột, cuốn bánh nhưng các nguyên liệu như trứng gà, thịt băm thì có thể xào sẵn trước để thêm vào nhân bánh.
Bánh cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Ngon và hấp dẫn hơn cả là bánh cuốn trứng, khi bánh đang trên khuôn, người tráng đập quả trứng gà vào giữa khuôn bánh rồi đậy vung lại, bánh chín cuộn bọc lấy lòng đỏ trứng gà, vuông vắn trên khuôn, dùng muôi lấy vào bát cho khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận vị ngọt xương hầm hòa quyện với hương vị hành, vị thơm của thịt phi hành, vị dai của bánh trong nước dùng. Nhiều du khách phương xa lần đầu tiên ăn bánh cuốn với canh cảm thấy thật lạ lẫm nhưng khi thưởng thức ai cũng khen ngon bởi vị đậm đà, tinh tế khác xa so với nơi khác.
Bánh áp chao
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, được bày bán nhiều trong các quán nhỏ hoặc vỉa hè. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt chứ không phải thịt lợn băm, mộc nhĩ hay đỗ xanh như bánh rán bình thường. Người Cao Bằng gọi đó là bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao.
Nguyên liệu nào để làm nên bánh áp chao không quá cầu kì, chỉ bao gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt vịt nhưng đó lại là một nét ẩm thực đặc trưng rất riêng của vùng Đông Bắc.
Vỏ bánh là hỗn hợp của gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương. Loại gạo được chọn là loại gạo mới thu hoạch, hạt mẩy, được trộn lẫn cùng nhau, ngâm kỹ trong khoảng nửa ngày cho gạo nở mềm mới đem xay thành bột. Người ta cũng chọn đỗ tương Quảng Uyên hạt vừa phải, lòng vàng trộn cùng bột gạo để tạo ra hỗn hợp bột đặc sánh, đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon.
Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, người làm lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi nhân vịt vào giữa, ép bánh lại rồi thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng rộm hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ, vớt ra để ráo mỡ là có thể đem ra dùng nóng.
Bánh trứng kiến (Pẻng Rày)
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc nước ta, mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này chính là trứng kiến. Loại bánh này thường chỉ được làm vào khoảng thời gian nhất định cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm bởi đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.
Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài (một loại cây quen thuộc ở vùng núi cao phía bắc). Nguyên liệu và công đoạn tuy không quá cầu kỳ nhưng muốn bánh được ngon thì yêu cầu người làm bánh cũng cần phải có sự khéo léo.
Để có được trứng kiến non, người ta phải lên rừng tìm ổ những loại kiến lành như kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.
Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm. Phần củ kiệu cũng thái nhỏ, phi chảo thơm rồi cho trứng kiến vào đảo cùng cho đến khi chín thì bắc xuống.
Phần bánh được làm từ gạo nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.
Phở chua
ỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng.
Bí quyết tạo sức hấp dẫn cho phở chua nằm ở nước sốt. Phi thơm hành tỏi rồi lấy nước trong bụng con vịt quay pha một chút dấm, tỏi, đường, nước mắm, sau đó cho chút bột báng để cô sánh nồi lại. Khi thưởng thức trộn đều bát phở nhanh tay nhưng tránh làm nát bánh phở. Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể thêm gia vị như ớt, tiêu. Phở chua ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm, bùi của đậu phộng, khoai tầu và gan hòa với vị béo của thịt ba chỉ, thịt quay, mùi thơm của lá móc mật, dẻo dẻo của bánh phở và cay nồng của ớt. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau đánh thức cảm quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.
Phở chua thường được dùng trong các tiệc cưới, cúng giỗ để thực khách ăn được no. Nhưng nay phở chua đã xuất hiện ở nhiều quán ăn hay trong những gian hàng ẩm thực ở các chợ của tỉnh Cao Bằng. Lần đầu tiên thưởng thức, người dùng chưa thể cảm nhận được hết cái ngon và hương vị đậm đà của món ăn, nhưng khi đã quen thì vị thơm ngon của các loại gia vị, chua ngọt của nước sốt và độ dai dẻo của bánh phở sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.
Vịt quay 7 vị
Vịt quay 7 vị là đặc sản ở Cao Bằng. Được gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng đã dùng 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt.
Sau khi quay xong thịt vịt được chặt nhỏ ra đĩa, da vàng màu mật, rộm cánh gián. Thịt ăn chắc và ngọt, mềm nhưng không bở, cũng không dai. Mỗi khi ăn người ta phải nhai thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt của mật ong với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt non đầu tháng.
Bên trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng ngọt thịt. Đó là do 7 thứ gia vị được lấy từ trong bụng vịt. Nhiều người từng được nếm qua đều đoán rằng trong các thứ gia vị ấy, có rất nhiều vị như là rễ, lá của cây được mang về từ trên rừng. Do đó, nhiều người muốn học được cách làm vịt quay Cao Bằng nhưng đều không thể có được mùi vị đặc trưng ấy.
Lợn sữa quay
Ở Cao Bằng thường chọn loại lợn địa phương từ 4 đến 6 kg để quay. Sau khi sơ chế xong dùng giấy bản thấm khô mình con lợn, (nếu rửa bằng nước thịt sẽ nhão, không săn, mất hết vị thơm ngon). Sau đó nhồi lá mác mật cùng các gia vị khác vào bụng con lợn rồi khâu lại, dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa dùng mật ong và các gia vị khác phết lên mình con lợn để cho giòn bì và khỏi nứt. Thịt quay ngon là thịt vừa chín tới, bì vàng rộm, giòn tan, mùi thơm quyến rũ. Nước dùng chấm thịt lợn quay được pha chế theo một công thức rất riêng biệt.
Bò gác bếp
Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo.
Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Xôi trám Cao Bằng
Lên Cao Bằng, ta sẽ gặp món xôi trám ở khắp nơi, từ nhà hàng sang trọng, tiệc cưới hỏi cho tới những bữa ăn ấm cúng dịp cuối tuần của các gia đình. Không giống như những loại xôi khác, xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng. Vị bùi của trám bao lấy những hạt nếp dẻo mọng, ăn hoài không ngấy và đặc biệt không có cảm giác bị nóng cổ dù ăn rất nhiều.
Quả mác mật
Mác mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng, hiểu nôm na là quả ngọt. Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi do người dân đem hạt và cây con về trồng; được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông.
Mác mật là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn đặc trưng miền núi, như: Vịt quay, lợn quay… Vào mùa mác mật, các bà nội trợ ai cũng mua mác mật về chế biến các món ăn: cá kho, thịt kho, vịt quay, ninh chân giò, canh thịt băm, măng xào mác mật… Mùi vị thanh tao của quả mác mật đã khử hết mùi tanh của cá, mùi hoi của vịt, giảm bớt mỡ ngấy của chân giò…, tạo nên những món ăn thơm phức, tinh tế và hấp dẫn.
Vừa để ăn chơi và chế biến các món ăn, quả mác mật còn để dành ăn được quanh năm. Quả mác mật đem về dùng kéo cắt sát cuống, sau rửa sạch để cho ráo nước. Củ măng tươi thái lát mỏng, sợi chỉ và một ít ớt tươi, vài lát tỏi, cho vào lọ ngâm với nước muối (có thể ngâm bằng rượu trắng) dùng ăn quanh năm. Mác mật ngâm có đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt; vẫn giữ được vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng, thêm vị chua giòn của măng, vị cay của ớt rất đặc biệt. Món này dùng để khai vị, pha nước chấm, gia giảm vào các món kho hoặc xào… đều rất ngon. Ngoài ra, vào mùa rộ quả, người ta đem về phơi hoặc sấy khô cất đi dùng dần hoặc cho vào khay đá để dùng quanh năm mà quả vẫn giữ được mùi vị thơm ngon.
Cá chiên sông Gâm
Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Loại cá lăng màu đen này vốn được một ông chủ quán chả cá Lã Vọng đánh giá là ngon nhất để làm chả cá. Lòng cá được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời.
Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Cá Trầm Hương (Bản Giốc)
Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.
Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng.
Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Rau dạ hiến
Rau dạ hiến hay còn gọi là rau bồ khai, tiếng Tày – Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên các cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng rất hiếm nơi có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng bảy âm lịch, nếu như có ai vào rừng hái được một nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý.
Dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản Cao Bằng. Vào dịp mùa xuân và mùa hè, ở những vùng thị xã cũng như ở các nơi khác, hầu như không có bữa tiệc nào là không có món rau dạ hiến được xào với thịt bò, lòng lợn, lòng gà. Quả thực đây là một món ăn rất ngon dường như chỉ có ở Cao Bằng. Món rau rừng này có hương vị rất lạ lùng, không giống bất kỳ một loại rau nào khác bởi hương vị đặc biệt quyến rũ khó quên.
Đặc sản Cao Bằng làm quà
Miến dong Phia Đén
Miến dong Phia Đén còn được gọi là miến dong Cao Bằng hay miến dong Nguyên Bình, vì miến được làm tại xóm Phía Đen, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Sợi miến to, không bóng như các loại miến thông thường. Nhưng lại mê hoặc thực khách bởi mùi thơm ngọt của miến dong nguyên chất.
Xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là vùng đất được trời ban cho nền khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, đất đai màu mỡ phù hợp cho sự tăng trưởng tốt của các loại cây như ngô, sắn và đặc biệt là củ dong riềng đỏ. Nên củ dong riềng đỏ ở đây luôn to và có mùi thơm đặt trưng nhất.
Miến dong Phia Đén được làm 100% từ củ dong riềng đỏ được trồng trên các sườn núi huyện Nguyên Bình theo phương thức truyền thống, phơi phên nứa, không sử dụng chất tẩy, chất tạo màu, bột nở hay các hóa chất khác. Khi nấu sợi miến mềm, trong, thơm, dai, vị ngọt mát, dù nấu lại đến lần thứ 2 sợi miến vẫn dai, không bị dính, nát như các loại miến khác.
Hạt dẻ Trùng Khánh
Nhờ điều kiện không khí mát lành cùng thổ nhưỡng trời ban nên cây hạt dẻ ở Trùng Khánh nhiều và ngon. Hạt dẻ Trùng Khánh thường nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, vỏ lụa rất mỏng, hạt màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy đặc biệt. Để chế biến các món ăn thường vỏ hạt dẻ rất cứng nên muốn nó chín cần phải luộc kỹ. Có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm tự nhiên. Từ đó người chế biến có thể ninh hạt dẻ với chân giò như một món hầm, có thể xay bột hạt dẻ làm nhân bánh, có thể hấp hạt dẻ để ăn như kiểu người ta hấp hạt mít…
Lạp xưởng hun khói
Lạp sườn vùng tùy vùng sẽ được chế biến và nêm nếm gia vị có điểm khác biệt. Lạp sườn ở Cao Bằng to hơn và được chế biến cầu kỳ hơn vùng đồng bằng. Lòng non được rửa thật sạch bằng rượu trắng. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn mán đen. Thịt được băm nhỏ, tẩm ướp với gia vị, hành băm phi thơm, đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén cùng chút rượu tạo mùi thơm khác biệt. Nhồi nhân thật chặt vào ruột, sao cho miếng lạp xưởng tròn đều và căng mượt. Nhân được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp hoặc hun khói với bã mía. Hơi ấm của lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc, lại càng thơm đậm đà với mùi ngọt thoảng của bã mía. Lạp sườn được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn
Mận Bảo Lạc
Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Lê Đông Khê
Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng – 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Bánh khảo
Bánh khảo có lẽ là một thứ lương khô của người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Bánh khảo thường được làm vào dịp Tết. Có thể để lâu không mốc, thiu, nên với phong tục đón Tết trong những ngày xuân dài, thì khi nào nào trong nhà còn bánh khảo, thì chừng đó vẫn còn là Tết.
Làm bánh khảo đòi hỏi phải thật khéo léo. Khi làm bánh khảo thì ai có dụng cụ cũng có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” thì thật là kiệt tác. Người làm bánh khảo khéo léo cũng chính là người nghệ nhân.
Một số điều lưu ý khi du lịch Cao Bằng
Có một vài phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng mà các bạn cần biết để tránh các điều kiêng kị, nhất là khi vào thăm các bản làng hay ở các dịch vụ homestay
- Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
- Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
- Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn, người lạ không đến gần ống hương đấy
- Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa), khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa.
Lịch trình đi Cao Bằng
Đây là một số lịch trình đi Cao Bằng kết hợp cùng các điểm du lịch kế cận như Hà Giang, Mẫu Sơn, Hồ Ba Bể. Hầu hết các lịch trình này các bạn nên mang theo xe máy và chạy từ Hà Nội bởi đường đi và đường về sẽ không giống nhau.
Hà Nội – Pác Bó – Cao Bằng – Bản Giốc – Hà Nội
Lịch trình này các bạn có thể lựa chọn phương án đi xe giường nằm Hà Nội Cao Bằng, lên tới nơi thì thuê xe máy ở Cao Bằng rồi sau đó đi khám phá các địa danh du lịch hấp dẫn ở Cao Bằng. Ngoài ra nếu không muốn thuê xe máy, các bạn có thể đi hoàn toàn bằng xe buýt đến các địa điểm này.
Ngày 0: Đi xe giường nằm Hà Nội – Cao Bằng
Ngày 1: Tp Cao Bằng – Pác Bó – Tp Cao Bằng
Dành hẳn 1 ngày để đi Pác Bó, tối quay lại Tp Cao Bằng nghỉ ngơi, khám phá ẩm thực và các món ăn ngon ở Cao Bằng
Ngày 2: Tp Cao Bằng – Thác Bản Giốc
Sáng từ Tp Cao Bằng đi Thác Bản Giốc, thiền viện Trúc Lâm, chiều tối quay lại Tp Cao Bằng, tối muộn lên xe về Hà Nội.
Hà Nội – Ba Bể – Cao Bằng – Bản Giốc
Lịch trình này các bạn đi từ Hà Nội theo hướng Quốc lộ 3 đi Thái Nguyên Bắc Cạn, ghé qua hồ Ba Bể, chạy xuyên qua Đèo Gió, Đèo Giàng rồi lên Tp Cao Bằng. Các bạn có thể kết hợp thêm một vài lịch trình Thái Nguyên cho đẹp
Ngày 1: Hà Nội – Ba Bể
Từ Hà Nội khởi hành đi Bắc Kạn rồi ghé vào Ba Bể, dọc đường đi nếu muốn bạn có thể ghé qua một số địa điểm du lịch ở Thái Nguyên. Tối ngủ tại Ba Bể, có thể lựa chọn ở các homestay ở bản Pác Ngòi
Ngày 2: Ba Bể – Tp Cao Bằng – Pác Bó – Tp Cao Bằng
Sáng từ Ba Bể khởi hành đi Tp Cao Bằng, đến nơi các bạn có thể lựa chọn một nơi để nghỉ buổi tối, tham khảo danh sách khách sạn nhà nghỉ tại Tp Cao Bằng rồi để đồ ở khách sạn. Từ đây tiếp tục đi Pác Bó, tham quan xong thì lại quay lại ở Tp Cao Bằng nhé.
Ngày 3: Tp Cao Bằng – Trùng Khánh – Thác Bản Giốc
Từ Tp Cao Bằng đi thẳng lên Thác Bản Giốc, có thể ghé qua cửa khẩu Tà Lùng, thăm một số mốc biên giới ở Cao Bằng. Tiếp đó đi lên Trùng Khánh ghé động Ngườm Ngao, Thiền viện Trúc Lâm rồi đi Thác Bản Giốc. Chiều từ đây quay lại Tp Cao Bằng để nghỉ ngơi.
Ngày 4: Trùng Khánh – Cao Bằng – Hà Nội
Ngày này khởi hành sớm từ Tp Cao Bằng quay về Hà Nội
Hà Nội – Mẫu Sơn – Bản Giốc – Ba Bể – Hà Nội
Lịch trình này kết hợp đi du lịch Lạng Sơn rồi mới qua Cao Bằng, sau đó sẽ về Hà Nội qua đường Bắc Kạn – Thái Nguyên, tạo thành 1 cung đường tròn
Ngày 1: Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn
Ngày đầu tiên, xuất phát từ Hà Nội các bạn đi theo đường Lạng Sơn rồi đi tiếp lên đỉnh Mẫu Sơn, tối ngủ tại Mẫu Sơn
Ngày 2: Mẫu Sơn – Thất Khê – Tp Cao Bằng – Trùng Khánh
Buổi sáng có thể dành chút thời gian khám phá đỉnh Mẫu Sơn, tiếp đó các bạn từ Mẫu Sơn đi Đồng Đăng rồi sang Thất Khê để đi Cao Bằng. Dọc đường này có một số địa điểm du lịch ở Lạng Sơn như Bia Thuỷ Môn Đình, cửa khẩu Hữu Nghị, Đền Mẫu Đồng Đăng mà các bạn có thể sắp xếp ghé thăm luôn. Qua Tp Cao Bằng các lên thẳng Trùng Khánh để hôm sau đi Bản Giốc cho tiện nhé.
Ngày 3: Trùng Khánh – Thác Bản Giốc – Động Ngườm Ngao – Tp Cao Bằng – Quốc lộ 3 – Hồ Ba Bể
Ngày này các bạn dạo chơi Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, một số địa điểm du lịch gần đó rồi khoảng đầu giờ chiều đi ngược theo QL 3 về Ba Bể, tối ngủ Ba Bể
Ngày 4: Ba Bể – Hà Nội
Dành khoảng nửa ngày để khám phá Ba Bể rồi sau đó từ đây đi ngược về Hà Nội
Hà Nội – Hà Giang – Bảo Lạc – Nguyên Bình – Ba Bể – Hà Nội
Lịch trình này các bạn chủ yếu đi du lịch Hà Giang nhưng kết hợp đi thêm một phần Cao Bằng là khu vực Nguyên Bình, Pia Oắc rồi đi qua Ba Bể về Hà Nội. Lịch trình này chạy xe máy hoàn toàn và hơi dài, các bạn cân nhắc khi chạy.
Ngày 1: Hà Nội – Hà Giang – Quản Bạ
Ngày này các bạn chạy theo hướng Quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Tuyên Quang rồi lên tới Hà Giang. Từ Tp Hà Giang các bạn di chuyển tiếp rồi dừng lại tại Quản Bạ, chọn một số nhà nghỉ ở Tam Sơn rồi nghỉ lại.
Ngày 2: Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn
Các bạn xem thêm thông tin ở bài các địa điểm du lịch Hà Giang để biết những địa điểm nào nên dừng lại chơi trên cung đường này
Ngày 3: Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Bảo Lạc – Nguyên Bình – Ba Bể
Ngày này các bạn sẽ chạy xuyên 3 tỉnh là Hà Giang – Cao Bằng – Bắc Kạn. Tổng quãng đường vào khoảng 270km. Sẽ đi qua đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc. Tiếp đến các bạn sẽ đi sang Bảo Lạc, Bảo Lâm rồi về Nguyên Bình của Cao Bằng. Trên đường đi sẽ qua khu vực Pia Oắc, nhớ ghé một vài biệt thự bỏ hoang được xây dựng từ thời Pháp nhé. Tối các bạn sẽ nghỉ ngơi ở Ba Bể
Ngày 4: Ba Bể – Hà Nội
Các bạn có thể dành khoảng nửa ngày để khám phá du lịch Ba Bể, sau đó từ Ba Bể các bạn đi ngược theo Quốc lộ 3 về Hà Nội